Vé máy bay Hà Nội Phú Quốc

Hanoi Tourism kính chúc quý khách có những chuyến bay thật tốt đẹp!

Vé máy bay Hà Nội Huế

Quý khách hãy đặt mua vé máy bay từ Hà Nội đi Huế giá rẻ tại Hanoi Tourism để được đảm bảo giá luôn luôn tốt nhất!

Vé máy bay Hà Nội Chu Lai

Đại lý vé máy bay Hanoi Tourism với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ tư vấn cho quý khách chi tiết vé máy bay giá rẻ Hà Nội đi Chu Lai tốt nhất của các hãng hàng không.

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Khai mạc lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2015


Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 năm 2015 sẽ chính thức khai mạc vào tối mai (10/3) tại TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk - Thủ phủ cà phê của Việt Nam.



Lễ hội Cà phê năm nay có chủ đề “Buôn Ma Thuột - Những đường xuân lịch sử”. Đây là lần thứ 5 tỉnh Đăk Lăk phối hợp cùng với các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và bốn tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.

Mục tiêu của Lễ hội lần này nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, tôn vinh người trồng, quảng bá văn hóa du lịch cà phê; nâng cao giá trị xuất khẩu; khẳng định vị trí của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới, góp phần phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên.

Lễ hội là nơi giao lưu, chia sẻ, hợp tác giữa người trực tiếp sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng cà phê.

Bên cạnh các hoạt động chính, Lễ hội lần này còn có Liên hoan nghệ thuật cồng chiêng, dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục các tỉnh Tây Nguyên; Chương trình trò chơi cho nông dân năm tỉnh Tây Nguyên; Hội thi pha chế cà phê; Triển lãm ảnh nghệ thuật hành trình cà phê Buôn Ma Thuột - Đăk Lăk; Hội nghị phát triển cà phê bền vững…

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ kéo dài đến ngày 12/3/2015.

Cà phê Buôn Ma Thuột - Rạng danh thương hiệu 100 năm tuổi

Những ngày này, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 đang diễn ra sôi động trên cao nguyên Đắk Lắk, đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng Buôn Ma Thuột, chào mừng 110 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển. Thông qua hoạt động này nhằm tôn vinh người trồng cà phê, cũng như những giá trị mà cà phê mang lại cho vùng đất Tây Nguyên suốt hơn 100 năm qua.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực mang lại ấm no, giàu có cho người dân Tây Nguyên; hơn thế nữa cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 26km về phía Đông, những vườn cà phê tại xã Ea Yông, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk, đang nở hoa trắng xóa. Chính tại nơi đây 100 năm trước, Công ty Cao nguyên Đông Dương và Công ty Nông nghiệp An Nam đã lập nên Đồn điền CADA, với 260ha cà phê, chính thức đưa loại cây này đến trồng tập trung quy mô lớn trên Tây Nguyên.

Cà phê trở thành cây làm giàu cho cho các buôn làng Tây Nguyên.


Đất tốt, lại ở độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển, nên cà phê vùng này được các nhà rang xay tại Pháp đánh giá chất lượng thơm ngon, đậm đà hơn hẳn sản phẩm cùng loại ở những thuộc địa khác. Vậy nên, chỉ khoảng 10 năm sau đó, đã có thêm 26 đồn điền cà phê của Pháp được thành lập xung quanh Buôn Ma Thuột, mỗi đồn điền rộng từ vài chục đến hàng trăm ha, đưa loại cây trồng này trở thành thương hiệu nổi tiếng của vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Thấm thoắt đã 100 năm, đồn điền CADA, địa danh nổi tiếng ngày nào, nay là một Di tích lịch sử cấp quốc gia, được Nhà nước đầu tư phục dựng dịp Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 (năm 2011).

Dẫn chúng tôi đi thăm Di tích miếu thờ tại đồn điền CADA, ông Võ Ngọc Nam ở xã Ea Yông, huyện Krông Păk, cho biết, đây là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trong công nhân của tỉnh Đắk Lắk và điểm liên lạc bí mật của cách mạng trong kháng chiến. Ngôi miếu cổ giờ chỉ còn dấu tích là một mảng tường bị bao trùm bởi gốc đa lớn. Một ngôi miếu mới được phục dựng dưới tán đa, làm nơi thờ phụng những người trồng cà phê đã khuất năm xưa.

“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây cũng là địa điểm để các nhà cách mạng về hội họp, sau này được Nhà nước công nhận thành một điểm trong khu di tích CADA. Nơi đây trước kia là đồn điền cà phê, sau khi Nông trường cà phê Phước An (nay là Công ty cà phê Phước An) tiếp nhận vẫn triển khai trồng cà phê. Vùng đất đỏ bazan này hợp với cây cà phê, nhờ có loại cây này mà người dân đã có cuộc sống như ngày hôm nay”, ông Nam cho biết.

Từ Buôn Ma Thuột, cây cà phê đã vươn ra khắp vùng Tây Nguyên, với tổng diện tích hơn 550.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 1,5 triệu tấn. Riêng tại Đắk Lắk - thủ phủ cà phê của Tây Nguyên, năm 2014 sản phẩm cà phê chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu, thu về hơn 650 triệu USD. Cây cà phê đang giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp. Cây cà phê đã thực sự đem lại cuộc sống ấm no, giàu có cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.
Ông Y Đjhai (dân tộc Ê Đê) ở buôn Sahp, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết, nhờ trồng cà phê mà gia đình ông đã chăm lo cho 9 người con ăn học đàng hoàng, xây được căn nhà hơn 1 tỷ đồng.

“Nhờ được công ty đầu tư, phát triển trồng cây cà phê nên đời sống của gia đình tôi cũng như bà con buôn làng ngày càng ổn định, khấm khá. Công ty hỗ trợ người dân, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tưới nước, cắt tỉa cành, làm cỏ… Nhờ sự tận tình hướng dẫn của công ty nên cây cà phê phát triển tốt, nhiều quả, giúp cho đời sống bà con ngày càng tốt hơn”, ông Y Đjhai bày tỏ.

Thương hiệu cà phê Việt Nam đang còn quá ít


Sản phẩm cà phê Tây Nguyên hiện nay đã được xuất khẩu đến 60 nước và vùng lãnh thổ; đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, và chiếm tới một nửa sản lượng robusta toàn cầu.

Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Tây Nguyên được cả thế giới biết đến bởi hương vị thơm ngon tự nhiên đặc trưng không nơi nào có được. Hương vị cà phê ấy đã được khẳng định qua quá trình lịch sử hàng trăm năm, từ cà phê CADA thời Pháp thuộc đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ngày nay.

“Nếu chỉ đáp ứng nhu cầu phù hợp thì cà phê Tây Nguyên có thể tạo ra sản lượng rất lớn. Tuy nhiên sự phù hợp ở đây còn đòi hỏi ở chất lượng cao, vì yếu tố độ cao và biên độ nhiệt độ ngày đêm là hai yếu tố chính quyết định chất lượng cà phê robusta của Buôn Ma Thuột. Cây cà phê có lịch sử hàng trăm năm, ngành cà phê trải qua nhiều thăng trầm rất ghê gớm, nhưng chưa bao giờ người dân xa rời cây cà phê; và chính quá trình lịch sử lâu dài như vậy nên kỹ năng trồng chăm sóc cây cà phê của người dân cũng được tăng lên”, ông Trịnh Đức Minh nói.

Cần chú trọng phát triển bền vững ngành cà phê

Xác định cà phê là cây trồng chủ lực, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cũng như các bộ, ngành liên quan đã quy hoạch và quan tâm đầu tư phát triển theo hướng bền vững. Cùng với việc đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, chính quyền địa phương và ngành chức năng luôn quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường thế giới.

Ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, tỉnh Đắk Lắk hiện nay có khoảng 203.000 ha cà phê, nhưng dần dần sẽ có sự điều chỉnh chuyển đổi trở lại, để đảm bảo được tính bền vững cho cây cà phê trong giai đoạn tiếp theo. Mục đích là làm sao chúng ta giữ cho được những diện tích cà phê phù hợp với những vùng sinh thái khí hậu thời tiết và có những nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất cà phê. Thứ hai là chúng ta vẫn phải đảm bảo được sản lượng cà phê, để ổn định thu nhập của người dân, cũng như sự phát triển của địa phương.

Ngót một thế kỷ có mặt trên vùng đất Tây Nguyên, từ “Cà phê CADA” đến “Cà phê Buôn Ma Thuột”, những giá trị do thương hiệu nổi tiếng thế giới này mang lại đã làm rạng danh một vùng đất, là niềm tự hào của Buôn Ma Thuột nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần cũng nhằm tôn vinh những giá trị đó.

Du lịch Buôn Đôn








Cách Buôn Ma Thuột gần 50 km về phía Tây - Bắc có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ðó là Buôn Ðôn, nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái... Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch ĐăkLăk và Tây Nguyên nói chung.

Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100 ngàn ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên.

Nhiều vị khách du lịch cho rằng, đến ĐăkLăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên ĐăkLăk; như vậy có thể nói rằng khu du lịch Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của tỉnh ĐăkLăk.

Hiện nay, thương hiệu du lịch Buôn Đôn đang được 3 đơn vị khai thác. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Đến đây, quý khách được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.


Tạm biệt Làng đảo Bản Đôn, bạn đi thêm chừng 5km nữa là đến Trung tâm Du lịch Buôn Đôn do Công ty Du lịch và Khách sạn Biệt Điện quản lý. Tại đây, du khách được cưỡi voi tham quan cuộc sống buôn làng, nếu ai muốn có “cảm giác mạnh” thì cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk để đến với vườn Quốc gia Yok Đôn. Bên cạnh những cảm giác thú vị ngồi lắc lư trên lưng voi, quý khách còn được thưởng thức một cảm giác mạnh khác là cái lắc lư nghiêng ngã của cầu treo Buôn Đôn, với chiếc cầu treo dài trên 100 mét bắc ngang lưng chừng những rặng si già vượt qua dòng sông dữ đến ốc đảo Ea Nô, với bãi tắm tiên, hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ… . Trên cầu treo, có những “mặt bằng” tươm tất và mát mẽ dành cho du khách nghỉ ngơi và ăn uống ngay trên mặt nước.

Ngoài các dịch vụ trên, bạn còn được tham quan nhà trưng bày các vật dụng sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và các dụng cụ săn bắt voi; được nghe thuyết trình về lịch sử hình thành Buôn Đôn, các phong tục tập quán và nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng. Bên cạnh đó, bạn còn được tham quan nhà sàn cổ được xây dựng theo kiến trúc Lào đã tồn tại trên 120 năm qua hiện nay vẫn còn người sinh sống; được tham quan mộ Vua săn voi “KhunJuNốp”, đi thuyền độc mộc trên hồ Ea Rông, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc bản địa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực Tây Nguyên như rượu cần, cơm lam, gà nướng, canh chua cá sông...

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Đặc sản Buôn Ma Thuột-Tây Nguyên



1. Thịt nai Đăk - Lăk



Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk vì vùng Tây Bắc giờ rất khó kiếm được. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Thịt bò 7 món đã gây thèm muốn, có nơi trở thành đặc sản, nhưng 7 món nai vượt xa một cách bất ngờ, cho nên càng không thể so sánh với bò, cho dù là bê cũng không đọ nổi với thịt nai.

Các nhà hàng đặc sản thịt nai tươi ở Buôn Ma Thuột - TP trung tâm của tỉnh Đắk Lắk đã đưa thịt nai vào hầu hết thực đơn bữa thường, bữa tiệc... bằng các món nai nướng, nai xào làn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.

Thịt nai nướng thái mỏng ướp mỡ nước và gia vị rồi cắt mấy lát gừng nướng riêng để ăn nóng cùng lúc rất hợp. Nai nướng không cần nước chấm, cũng không cần muối tiêu, miếng thịt nai nướng chín ngọt, mềm cộng với vị gừng nóng kích thích người ăn đến mê say mặc dù chẳng cần dùng đến rượu.

Nai nhúng giấm như một bản nhạc đã chuyển gam bởi lẽ đã thấm đậm đà một hương vị không giống miếng nai nướng béo ngậy. Nai nhúng cũng phải thái mỏng nhưng lại ướp với sả nước mắm ngon, ngũ vị hương và tỏi. Khi ăn phải dùng lẩu đặt giữa bàn, nước dùng có pha giấm đun sôi sục, cạnh lẩu là một khay to đựng đủ loại rau: sa lát, cà chua, hành tây thái khoanh, chuối xanh thái lát.

Nai khô có thể là đầu bảng trong các món nai. Nai khô không béo ngậy như nai nướng vì cách thức và nguyên liệu tẩm ướp khác nhau nên miếng nai khô ngọt lịm. Thịt nai thái ngang thớ, miếng dài chừng 5cm ướp kỹ bằng xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương. Sau khi ướp trong vòng 80 phút lấy từng miếng nướng trên than hoa, nướng xong dùng sống dao dần cho miếng thịt mềm mại rồi ăn mà không cần chấm với bất cứ thứ gì.

2. Gỏi lá



Nếu một lần đến phố núi nằm ở cực bắc Tây nguyên (Kontum), mời bạn cùng cư dân vùng sơn cước thưởng thức món gỏi lá đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có.

Xếp một "rừng" lá, vị chủ nhà bắt đầu giới thiệu cho du khách từng loại lá khác nhau như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất… Mỗi loại có một tác dụng chữa bệnh khác nhau. Lấy các loại lá này cuốn thành hình phễu để gắp vào đó các loại thức ăn. Các món ăn kèm với lá như thịt heo ba chỉ, tôm rang, da heo thái mỏng trộn cùng bột gạo nếp rang.

Nước chấm được làm từ bỗng rượu, được khử qua dầu ăn, lẫn cùng trứng vịt thành loại nước chấm sền sệt. Tiêu để nguyên cả hạt, muối hạt, ớt cay xanh, hành là những gia vị không thể thiếu. Kẹp đủ các loại lá, bỏ vào đó thịt, tôm, da heo, gia vị rồi ăn cùng một lúc, nhai càng kỹ càng dễ nhận ra nhiều hương vị vừa có vị chan chát, vừa ngòn ngọt, chua chua và vừa bùi béo ngậy của thịt, tôm.

Sau mỗi lần ăn, làm thêm một ngụm rượu được ngâm lâu ngày từ rễ cây đinh lăng. Cuối cùng là một nồi cháo cá lóc, nóng hổi để ăn lót bụng là tuyệt nhất. Theo nhiều người dân phố núi, ăn gỏi lá nhiều rất tốt, bởi hầu hết đều là những lá cây thuốc nam có tác dụng chữa bệnh. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào có thể chữa bệnh.

3. Cơm lam



Cơm lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi chắt lọc trong đó vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Bắt đầu từ những chuyến đi dài ngày của người đàn ông với ống gạo mang theo, dao quắm và đánh lửa cùng ống nứa sẵn trong rừng nhưng theo bước chân những người khách du lịch, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản, làm say lòng du khách.

Để làm được cơm lam ngon đòi hỏi một sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đầu tiên phải chọn cây nứa ngô còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa rồi phạt đi đầu mặt, dùng lá nút lại, chất củi xung quanh đốt cho sôi. Gạo nếp làm cơm lam phải chọn loại nếp trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là "khảu tan" (nếp tan). Ngâm gạo, vo sạch, rắc ít muối trộn đều rồi cho vào ống lam, cùng với dòng nước suối trong vắt sẽ tạo nên một cơm lam hương vị đặc biệt của núi rừng, có thể làm say lòng bất cứ người thưởng thức nào.

Khi cơm chín, chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp nứa mỏng. Xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, ăn cùng với thịt gà hay thịt lợn rừng nướng (được nướng trong ống tre). Tuy nhiên, cơm lam ngon nhất khi ăn với muối vừng.

4. Gà nướng Bản Đôn



Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở Bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con.

Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Chú ý, sả được giã nhỏ rồi chỉ lọc lấy nước chứ không ướp cả củ, nước sả càng nhiều, thịt nướng càng thơm ngon. Con gà thường được kẹp vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Bếp than to nên một lần có thể nướng quay nhiều con, cứ vài phút xoay trở một lần cho đến khi gà chín chuyển sang màu vàng, tươm mỡ bóng nhẫy. Thoạt nhìn cũng đủ cồn cào dạ dày.

Để ăn gà nướng ở Bản Đôn "đúng bài", thì phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh. Loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn giòn thơm rất hấp dẫn.

5. Rau rừng



Bữa cơm miền cao nguyên Gia Lai bắt đầu bằng món rau xanh luộc. Những đọt lá xanh ngăn ngắt, cứng cáp, tươi non có vẻ khá quen, nhưng khi hỏi tên nó thì người địa phương cũng chỉ biết đáp gọn lỏn: "Rau rừng!".

Nhưng rau rừng là rau gì? Theo hình dáng thì loại này rất giống rau lủi, vốn là đặc sản chỉ có ở vùng rừng Trà My (Quảng Nam), nhưng xét về hương vị, rau rừng Gia Lai thiếu đi chất nhớt và cả vị thuốc, dù độ giòn ngọt thì tương tự. Có người lại cho rằng nó na ná rau tàu bay hay đọt dớn…

Theo lời người dân địa phương, rau rừng rộ ở Gia Lai chỉ khoảng chừng vài năm trở lại đây, trước đây là nó món "chống đói" của bộ đội Trường Sơn.

Được trồng khá rộng rãi nên ở đâu cũng có, mùa nào cũng có, nhưng rau ngon nhất là ở đầu mùa mưa, khi cây nảy những đọt non xanh mướt, bóng lưỡng. Nó gắn liền với chất rừng núi của vùng Gia Lai nên người phương xa ghé Gia Lai, muốn tìm thứ gì đó mới lạ cho bữa ăn thì được giới thiệu ngay.

Chất rừng ở loại rau này không nằm ở sự ngon ngọt mà ở vị mát, dù ban đầu cứ tưởng nó chẳng có mùi vị gì. Rau rừng còn ngon ở độ giòn, dù có nấu quá lửa thì vẫn không bị nát. Cách chế biến ngon nhất là luộc hoặc xào tỏi, chấm với mắm cua (làm từ cua đồng giã nát, lọc xác vắt lấy nước rồi phơi nắng) màu nâu đất ánh sắc vàng gạch, mặn mòi.

Khẳng định như thế vì món rau này từng được mang ra "thí nghiệm" với tất cả các loại nước chấm, kể cả muối tiêu chanh, nhưng không có loại nào vượt qua được mắm cua. Người Gia Lai xa quê lên cơn nghiền rau rừng vẫn phải nhờ người quen để gửi vài bó rau theo đường hàng không để ăn cho đỡ thèm.

Rau rừng đã có mặt cả trong các siêu thị ở Pleiku, được bán với giá khoảng hơn 30.000 đồng/kg. Riêng mắm cua thì không dễ kiếm, lại khó mang theo nên được thay bằng nước mắm kho quẹt kiểu Nam bộ, tuy không đúng chất rừng nhưng cũng chấp nhận được.

6. Cá lăng



Cá lăng, một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người Tây Nguyên, là loài cá nước ngọt, thuộc bộ cá da trơn, có nhiều trên sông Sêrêpốk. Cá có vị ngọt, béo, thơm ngon nên đã có mặt trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng, khách sạn và được nhiều thực khách ưa chuộng. Cá lăng dùng để làm chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo, món nào cũng thơm cũng ngon.

Cá lăng nướng là món ngon với những hương vị béo, thơm, ngọt, đậm đà. Cá lăng làm sạch, để ráo, loại bỏ da và xương, cắt miếng vừa ăn rồi ướp với nước mắm, mì chính, mẻ, nước cốt riềng, nghệ khoảng mười phút cho cá thấm gia vị. Trước khi nướng cá trên than hồng, cần phết một lớp dầu phộng lên từng miếng cá. Người đầu bếp phải khéo léo lật trở vỉ nướng nhằm tránh làm cá cháy.

Khi những miếng cá lăng chảy mỡ kêu xèo xèo và từng miếng cá chuyển sang màu nâu cánh gián, dậy lên hương thơm quyến rũ của thịt cá và mẻ là khâu nướng cá đã hoàn thành. Món cá lăng nướng có thể ăn kèm với bún. Nhưng cá lăng nướng cuốn bánh tráng với các loại rau: khế, chuối chát, dứa, húng, quế, là món ngon rất lạ miệng. Những hương vị béo, ngọt, thơm của cá quyện với vị dai của bánh tráng, tươi non của các loại rau cùng vị đậm đà của nước mắm chanh, tỏi, ớt khiến những ai lần đầu thưởng thức món ngon này sẽ nhớ mãi không quên.

Lẩu cá lăng nấu canh chua là một món ngon giải nhiệt, bổ dưỡng, được nhiều người lựa chọn trong mùa hè. Nguyên liệu chính để nấu lẩu gồm: cá lăng, măng chua, nghệ tươi giã nhỏ, cà chua chín băm nhuyễn. Cá lăng làm sạch, cắt lát vừa ăn rồi trụng qua nước sôi cho thịt cá săn chắc. Phi thơm dầu phộng với hành băm rồi cho nghệ tươi và cà chua vào xào lấy nước màu, tiếp tục cho cá lăng và măng chua vào, nêm gia vị gồm bột nêm, mì chính, nước mắm, để lửa nhỏ cho cá thấm gia vị.

Cuối cùng, cho nước hầm xương vào nồi lẩu, đun sôi lẩu rồi tắt bếp. Để món ăn thêm nhiều hương vị cần cho thêm một ít tiêu bột, ớt tươi cắt lát và một ít rau thơm như hành lá, ngò rí. Lẩu cá lăng nấu canh chua dùng kèm với bún hay ăn như một món canh chua thông thường vừa thơm ngon lại rất ngọt nước, thích hợp dùng trong những ngày hè nắng nóng.